Nam sinh nghèo lớn lên từ gánh nước của ngoại, nỗ lực học tập để cả mẹ và bà “nghe được”
Cậu học trò nghèo Nguyễn Quỳnh Như sinh ra không được đủ đầy như bạn bè cùng trang lứa, gia đình em cũng vô cùng đặc biệt khi cả bà ngoại và mẹ đều không thể nghe thấy gì. Thế nhưng, dù khó khăn nhưng Như không chùn bước, không đổ cho hoàn cảnh mà luôn mạnh mẽ vươn lên.
Nam sinh nghèo phấn đấu học giỏi để bà và mẹ “nghe được”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Quỳnh Như có mẹ bị khiếm thính bẩm sinh, bà ngoại em tuổi đã cao nên bị nặng tai. Cả gia đình thường ngày chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Những người bị khiếm thính sẽ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh minh hoạ: C.T.T.L.Đ)
Bà Nguyễn Thị Nhuấn (67 tuổi) – bà ngoại của Như kể lại khoảng thời gian biết tin con gái mang bầu, bà rất lo lắng trong khi mẹ Như lại vô cùng vui sướng, hạnh phúc vì lần đầu được làm mẹ. Ngày con trai chào đời, chẳng giống như những người mẹ khác, dù có ghé sát tai vào con nhưng chị vẫn không nghe được tiếng khóc của đứa trẻ. Khi ấy, mẹ Như đã ôm chặt lấy đứa con vào lòng, khóc nấc lên, bà ngoại của Như chứng kiến cảnh đau lòng ấy cũng khóc theo.
Khoảnh khắc con chào đời đối với bất cứ bậc cha mẹ nào đều vô cùng thiêng liêng. (Ảnh minh hoạ: Baidu)
Gia đình khó khăn nên Như ra đời cũng chẳng có điều kiện đầy đủ, nhưng bà và mẹ đều thương em vô cùng. Người mẹ khiếm thính đặt cho con trai tên Nguyễn Quỳnh Như với ước mong con mình sẽ như đóa hoa quỳnh, loài hoa chỉ nở và tỏa hương trong đêm.
Chàng trai Quỳnh Như vừa học vừa làm mong có tiền đưa mẹ đi chữa bệnh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cả gia đình nghèo chỉ trông chờ vào gánh nước của ngoại. Nhưng bà lại bị bệnh hen suyễn nên ngày nào thuận lợi thì bán được 200 nghìn đồng, còn không thì dọn ra rồi lại dọn vào. Là chàng trai duy nhất trong nhà, Như vẫn luôn ý thức được việc bản thân phải giúp bà và mẹ từ bé.
Tuổi thơ của chàng trai này là những ngày phụ bà bán hàng nước, bưng bê thuê để kiếm tiền mưu sinh nhưng tiền thuê nhà, thuốc thang cho mẹ cứ thiếu trước hụt sau. Mùa mưa, căn nhà trọ dột đủ chỗ, kê đồ lên chỗ cao rồi ba người thức trắng trên chiếc giường chật chội.
Nhiều người lớn tuổi mưu sinh bằng gánh nước. (Ảnh minh hoạ: W.T)
Khó khăn là vậy nhưng bà Nhuấn vẫn quyết tâm cho cháu trai được đi học đàng hoàng. Không phụ công mong mỏi của bà, Như luôn cố gắng phấn đấu học thật tốt. Như tâm sự với báo Tuổi Trẻ: “Mình đi học cả phần của mẹ, mình muốn là đôi tai, là cái chân thay mẹ đến trường. Mỗi lần về kể cho mẹ nghe chuyện trường lớp, mẹ không hiểu hết nhưng nét mặt vui lắm, chăm chú nhìn mình nói”.
Ngày vào Nha Trang nhập học và tìm chỗ trọ, chủ nhà biết hoàn cảnh của Như nên đã cho ở miễn phí, bà ngoại vay tạm đủ đường để em kịp đóng học phí. Người bạn đồng hành của Như hàng ngày chính là chiếc xe đạp, cứ khi nào trống tiết thì em sẽ đi phục vụ nhà hàng kiếm thêm chi phí mua đồ ăn, chi tiêu lặt vặt. Còn tiền ngoại cho khi đi học thì em cất đi để dành.
Trường Đại học Nha Trang là trường đào tạo đa dạng các ngành nghề. (Ảnh minh họa: Đại học Nha Trang)
Như đã từng cảm thấy bản thân mình thật tệ khi sợ bản thân sẽ bị di truyền căn bệnh khiếm thính từ mẹ. Em cũng cảm thấy ngại với bạn bè về mẹ nên luôn nhờ bà ngoại đi họp phụ huynh. Giờ đây em lại cảm thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người khác vì luôn có mẹ và bà ngoại ở bên.
Chàng trai tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt ra trường có việc làm ổn định để đưa mẹ đi chữa bệnh, mua máy trợ thính thật tốt để mẹ em được một lần nghe những âm thanh của cuộc sống như bao người và có điều kiện tốt hơn để chăm sóc cả gia đình.
>>Có thể bạn chưa biết: Nữ sinh nghèo nén nỗi đau, vượt khó, cố học cái nghề để kiếm sống
“Cô tiên” của đôi vợ chồng khiếm thị
Cô bạn Nguyễn Thị Cẩm Tiên (Long An) cũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình vô cùng đặc biệt. Báo Tuổi Trẻ viết, em Cẩm Tiên là con gái của một cặp vợ chồng khiếm thị. Cô bé ra đời tuy có bố mẹ không hoàn hảo như những gia đình khác nhưng bố mẹ luôn cố gắng cho em cuộc sống đầy đủ, ấm áp nhất và coi em là “cô Tiên” của gia đình.
Cẩm Tiên sinh ra trong một gia đình vô cùng đặc biệt. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tiên biết nhà mình khó khăn, không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyện phải học thật tốt mới có thể thay đổi số phận. Mỗi lần nghe được mọi người xung quanh khen Tiên, bố mẹ em lại nở một nụ cười hạnh phúc trên môi, dù chưa từng một lần nhìn thấy con gái nhưng cả hai vẫn rất vui và tự hào.
Bố mẹ của Tiên đều không may bị khiếm thị. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, Tiên đã đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, em đồng thời cũng được trao học bổng 100% trong suốt bốn năm học. Tiên hứa sẽ học thật tốt để sớm ra trường, có việc làm lo cho ba mẹ.
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM là một trường đại học lớn ở khu vực miền Nam. (Ảnh: Trường ĐH Công nghiệp TP HCM)
>>Xem thêm: Ước mơ giản dị của cậu bé nghèo một mình chăm 9 em nhỏ cho mẹ đi làm
Dù kém may mắn khi sinh ra trong một gia đình không được đầy đủ về vật chất nhưng Quỳnh Như hay Cẩm Tiên thực sự đều cảm thấy may mắn khi còn có gia đình, được bố mẹ luôn ở bên động viên.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN!
Thu Hằng
Theo Thể Thao & Văn Hóa
Nguồn: https://www.yan.vn